Trên thực tế, xét về quy mô, ngành cơ khí Việt Nam hiện có khoảng nửa triệu lao động, không thua kém các nước trong khu vực. Hơn thế, Việt Nam lại có gần 2 vạn cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy có trình độ khá và 12 viện nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thiết kế về cơ khí. Đây là nguồn lực hết sức quý và quan trọng để phát triển ngành này. Nhưng lực lượng này từ khi đất nước chuyển hẳn sang cơ chế kinh tế thị trường không được đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại đúng mức; lại quá phân tán nhỏ lẻ, chưa được tổ chức, sắp xếp lại đúng với yêu cầu mới, nên cả thế và lực chưa được nâng cao đúng tầm. Do đó, cả về trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, giàu kinh nghiệm và nhiều thiết bị, công nghệ hiện có chưa được khai thác và phát huy.
Từ khi có luật đầu tư nước ngoài đến nay, cả nước mới có 127 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực cơ khí được cấp phép hoạt động với tổng số vốn đăng ký 1,88 tỷ USD. Trong đó, phần lớn đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, chế tạo linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị kỹ thuật điện, dây và cáp điện..., nhưng chưa có một dự án nào đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực chế tạo máy. Gần đây mới có một công ty của Hàn Quốc đầu tư xây dựng tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) nhà máy chế tạo thiết bị công nghiệp nặng với tổng số vốn đầu tư 260 triệu USD. Trong chuyến đi thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các doanh nghiệp 2 nước Việt-Nga đã thoả thuận hợp tác đầu tư tại Việt Nam 2 dự án công trình chế tạo máy thi công và tuabin thuỷ. Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tập đoàn Cumins đã nhận giúp Vinamotor chế tạo động cơ ô tô. Tập đoàn GE (General Electric) đang triển khai kế hoạch xây dựng tại Hải Phòng nhà máy chế tạo các thiết bị nguồn cho ngành điện với tổng số vốn đầu tư 50 triệu USD. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2009, thu hút khoảng 400 lao động.
Những năm gần đây, các Tổng công ty VINASHIN, LILAMA, MIE, Hoàng Dũng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên cơ khí Hà Nội (HAMECO)... đã có bước đột phá trong đầu tư thiết bị, công nghệ mới và nguồn nhân lực, có khả năng đóng mới các loại tàu chở hàng, chở dầu, chở ôtô, chở contennơ cỡ trung và cỡ lớn đáp ứng nhu cầu trong nước thay hàng nhập khẩu và tham gia xuất khẩu; tham gia chế tạo được 35-40% tổng số thiết bị cho nhà máy xi măng lò quay công suất 1,4 triệu tấn/năm; chế tạo 50% tổng số thiết bị cho nhà máy sản xuất bột giấy công suất 10 vạn tấn/năm; chế tạo thiết bị toàn bộ cho nhà máy gạch ngói nung 25 triệu viên/năm; từ 20 đến 30% tổng số thiết bị cho các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện công suất đến 300 MW, nhà máy đường công suất 8.000 tấn mía/ngày,...
Xuất khẩu chưa bằng 30% nhập
Xuất khẩu sản phẩm cơ khí, thiết bị kỹ thuật điện, tàu biển, thiết bị, máy công cụ, hàng kim khí tiêu dùng của Việt Nam những năm gần đây được ghi nhận tăng trưởng khá, nhưng chưa bằng 30% so với hàng nhập khẩu. Điều đó, chứng tỏ rằng thị trường hàng cơ khí tại Việt Nam hiện có tiềm năng lớn, nhất là đối với các thiết bị kỹ thuật, công nghệ cao và thiết bị toàn bộ cho các dự án lớn. Vì vậy, xuất khẩu không những tạo đầu ra, mà còn góp phần quan trọng để chủ động tăng sức cạnh tranh và khẳng định vị thế của sản phẩm cơ khí ngay tại thị trường trong nước, nhất là sau khi nước nhà đã gia nhập WTO.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2005 trở lại đây, nước ta có trên 3.000 cơ sở làm hàng cơ khí xuất khẩu, năm 2006 đã đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD, với các nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, dây cáp điện, linh kiện điện tử, phương tiện vận tải và hàng dân dụng. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm phần lớn là của Nhật Bản, một phần của Hàn Quốc, các nước và vùng lãnh thổ đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD và các doanh nghiệp có vốn trong nước đạt 300 triệu USD. Trong đó có gần 200 doanh nghiệp cơ khí đạt kim ngạch xuất khẩu khá; nhóm phụ tùng ôtô, xe máy gồm 24 doanh nghiệp xuất khẩu đạt 680 triệu USD; nhóm máy, thiết bị gồm 38 doanh nghiệp đạt 170 triệu USD; nhóm cơ khí chính xác đạt 197 triệu USD; nhóm dụng cụ, chi tiết máy gồm 27 xí nghiệp đạt 177 triệu USD; hàng cơ khí dân dụng gồm 71 đơn vị đạt 447 triệu USD,... Năm nay, qua thực hiện 6 tháng đầu năm và đơn hàng còn lại của 6 tháng cuối năm, hàng cơ khí và điện khí xuất khẩu có thể đạt trên 1,8 tỷ USD.
Các doanh nghiệp có vốn trong nước đang có kim ngạch xuất khẩu hàng cơ khí ngày một tăng là VINASHIN, LILAMA, MIE, Hoàng Dũng, HAMECO, NARIME, IMECO... Năm 2005, VINASHIN xuất khẩu tàu biển đạt 15 triệu USD, năm 2006 đạt 33 triệu USD, năm nay tăng lên 194 triệu USD, dự kiến năm 2010 có khả năng đạt tới mục tiêu một tỷ USD. VINASHIN đang đóng tàu kéo cho Hà Lan, tàu hút bùn cho I Rắc, tàu chở hàng 34.000 tấn và 53.000 tấn cho Vương quốc Anh, tàu chở hàng đa năng cho Nhật Bản, tàu chở ôtô (4.900 và 6.900 ôtô), tàu chở dầu cỡ lớn và tàu chở contenơ 1.016 TEU theo đơn đặt hàng của các công ty vận tải quốc tế... Ngành đóng tàu biển Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 11 trong năm 2005, đứng thứ 7 năm 2006 và sẽ vươn lên vị trí thứ tư trong 10 năm tới. MIE và HAMECO hiện đang xuất khẩu gần 3000 máy công cụ một năm sang thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước trong khu vực, sẽ tăng lên 4.500 cái trong năm 2010,...
Cần có cơ chế phù hợp
Đạt được kết quả trên, ngoài việc phát huy nội lực, dám nghĩ dám làm của tập thể cán bộ, công nhân, các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước) đã được Nhà nước giúp đỡ, tạo điều kiện về nhiều mặt. Tháng 10-2005, VINASHIN được vay 750 triệu USD vốn trái phiếu của Chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế để đầu tư thiết bị, công nghệ mới tiên tiến, hiện đại và đến nay đã phát huy hiệu quả tốt. Mới đây, VINASHIN đã được phép phát hành thành công đợt trái phiếu 3.000 tỷ đồng. Tháng 7-2007. VINASHIN lại được ngân hàng Thụy Sĩ cho vay 600 triệu USD. Số tiền này sẽ được VINASHIN cho các đơn vị thành viên vay lại để đầu tư vào các dự án lớn phục vụ đóng tàu chở dầu trọng tải 105.000 tấn tại Dung Quất, kho nổi 150.000 tấn tại Nam Triệu, tàu chở ôtô tại Hạ Long và tàu chở hàng 53.000-56.000 tấn,...
Được Nhà nước giúp đỡ và tạo điều kiện, HAMECO đã thực hiện dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất với tổng số vốn hơn 100 tỷ đông; Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) đã hoàn tất giai đoạn I đầu tư 90 tỷ đồng cho Dự án chế tạo thiết bị nâng hạ; Hoàng Dũng đang triển khai dự án đầu tư 161 tỷ đồng chế tạo thiết bị nâng chuyển; Công ty Điêden Sông Công cũng đang triển khai dự án chế tạo động cơ điêden công suất từ 100 đến 400 sức ngựa phục vụ lắp ráp ôtô và tàu thuỷ... Tuy vậy, hầu hết các dự án này đều chậm và một loạt dự án khác chưa triển khai được vì còn nhiều vướng mắc, chủ yếu là không được ưu đãi trong vay vốn đầu tư và giải ngân chậm.
Các doanh nghiệp đều mong muốn Nhà nước bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài hoặc vay vốn lưu động cho chế tạo thiết bị toàn bộ cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài. Mặt khác, Nhà nước cũng cần hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ mua bản quyền thiết kế, ưu tiên các dự án công nghệ cao, khi các dự án đầu tư sản xuất đi vào hoạt động được trích doanh số bán ra để phục vụ công tác nghiên cứu phát triển. Nhằm bảo vệ thị trường của đất nước – nguồn tài nguyên của dân tộc, Chính phủ cần thể hiện “ý chí của quốc gia” trong việc đảm bảo cho quyết sách của mình để phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm của nước nhà trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giữ vững độc lập, an ninh quốc phòng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.